Hành trình đem yêu thương tới trường Tiểu học Lê Văn Tám (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu) tháng 8/2015

Thứ tư - 20/06/2018 20:27
Ở nơi đó, chúng tôi vô cùng xúc động khi bắt gặp hình ảnh của những cô bé, cậu bé hàng ngày vượt quãng đường xa đến lớp, những giọng nói ngập ngừng, ngượng nghịu, những đôi bàn chân trần lấm lem bùn đất, những chiếc áo cũ kĩ, nhiều chỗ đã rách, những chiếc túi nhỏ xíu đựng một quyển vở tới trường, những lớp học gió lùa còn chưa có bảng đen.
Ngày 19/8/2015
     6g sáng tại sân trường THCS Cát Linh, những thành viên tham gia chuyến đi Lai Châu chúng tôi có mặt, sửa soạn đồ đạc, và chuẩn bị lên đường. Tất cả bao yêu thương được gửi cả vào trong những thùng quà được chuyển đi. Nào là trống cái, nào là trống con, nào là sách vở, nào là truyện… những món quà chứa đựng tình cảm của thầy và trò trường THCS Cát Linh và trường THCS Tô Hoàng.
     7g sáng: chuyến xe khởi hành dưới sự điều khiển của bác tài Nguyễn Vịnh – lái xe của Ngân hàng Maritime Bank – nơi đã hỗ trợ thầy trò trường THCS Cát Linh trong hành trình ý nghĩa này. Hành trình vượt đồi núi với đoàn đi mang đầy háo hức. Những dự định, những công việc được ghi đầy kín trong cuốn sổ tay. Ai ai cũng mong giờ phút được đến tận vùng đất Phong Thổ, được gặp những học trò mà ngày ngày chỉ mới được nghe nói đến ở tivi, ở tin tức từ thiện. Bản U Gia, vùng đất đặc biệt khó khăn của huyện Phong Thổ, nơi cách biên giới Việt Trung Ma Lùng Thàng chỉ 10km – những từ ngữ ấy không ngừng in sâu vào tâm trí chúng tôi.
     18g: Trải qua  quãng đường hơn 500km gập ghềnh, chúng tôi có mặt tại Lai Châu, được có một tối nghỉ ngơi và chuẩn bị cho sáng mai lên đường, vượt thêm chặng đường mới để đến được Huổi Luông.
Ngày 20/8/2015
     6g30: háo hức chuẩn bị cho chuyến đi buổi sớm, cả đoàn tập trung lên đường để chuẩn bị di chuyển từ nơi tập kết đồ đến trường học.
     Hơn chục km đường gập ghềnh, quanh co chúng tôi tạm dừng chân trước dòng sông Nậm Na chảy xiết. Đây chính là dòng sông đã từng cô lập nhân dân bản U Gia những ngày mưa lũ. Nhìn dòng sông chảy xiết, học trò qua sông trên cây cầu treo, chúng tôi không khỏi bàng hoàng khi nghĩ lại những mùa mưa lũ trước, các cháu học sinh không được đến trường, người dân ốm đau không thể đến trạm xá, vì không có cầu bắc qua sông.
Theo con đường chạy từ dưới chân núi lên tới lưng chừng núi, dọc con đường đi đầy đất đá, hai bên trồng toàn chuối – loại cây đem lại thu nhập chủ yếu cho người dân U Gia, chúng tôi đến với trường Tiểu học Lê Văn Tám.
    9g 30: chúng tôi lên đến nơi, ngày hôm nay, ở ngôi trường Lê Văn Tám này, lễ khánh thành nhà ở cho các em học sinh được diễn ra trong niềm háo hức, mong chờ của các thầy cô, các em học sinh và nhân dân bản U Gia bởi họ đã đợi đoàn công tác ở đó từ rất lâu. Nhà bán trú được xây dựng nhờ lòng hảo tâm của các cá nhân, tập thể qua nhịp cầu của báo Quân Đội Nhân Dân, dưới bàn tay xây dựng của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 5 trực tiếp thiết kế công trình đã được hoàn thành nhanh chóng sau gần 3 tháng thi công.
     Cô giáo Trần Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học sinh ở đây 100% là người dân tộc Dao, việc học đối với các em gặp rất nhiều khó khăn. Người dân ở bản U Gia đã từng phải di chuyển cả bản đến điểm dừng chân này do trước đó bị lở đất. Việc có nhà bán trú đối với các em học sinh vô cùng có ý nghĩa. Các em sẽ không còn phải vất vả trèo đèo, lội suối ra về ngay sau giờ học. Chúng tôi cũng yên tâm hơn bởi đỡ đi niềm đau đáu khi lũ tràn về trên đường các em tới lớp.
      Ở nơi đó, chúng tôi vô cùng xúc động khi bắt gặp hình ảnh của những cô bé, cậu bé hàng ngày vượt quãng đường xa đến lớp, những giọng nói ngập ngừng, ngượng nghịu, những đôi bàn chân trần lấm lem bùn đất, những chiếc áo cũ kĩ, nhiều chỗ đã rách, những chiếc túi nhỏ xíu đựng một quyển vở tới trường, những lớp học gió lùa còn chưa có bảng đen. Càng không kìm nổi cảm xúc khi nghe các em kể về hành trình tới lớp phải dậy từ tinh mơ mờ sáng, bữa sáng có khi được ăn, có khi chẳng có gì bỏ bụng, ngày sơ sài được một vài chén cơm, có những cô bé, cậu bé đi học còn phải địu em tới lớp, vừa học, vừa trông em, cô giáo cũng kiêm luôn bảo mẫu của những đứa trẻ này. Nhưng những khó khăn vất vả đó không thể nào lấp đi được những gương mặt bừng sáng niềm vui, những ánh mắt lấp lánh, những nụ cười tươi khi được đến với con chữ.
      Sáng nay, các em được tham dự buổi lễ khánh thành điểm trường mới, nơi được xây dựng từ tình cảm và lòng yêu mến của tất cả những tấm lòng hảo tâm. Chúc cả thầy và trò sẽ đạt được những thành công rực rỡ trong năm học mới. Tự hào biết bao những đồng nghiệp đã hết lòng cõng chữ lên vùng núi cao. Và yêu lắm lắm những thiên thần đến từ làng bản xa xôi. 
Sáng 21/8/2015
     3 giờ 30 phút sáng, chúng tôi có mặt tại Hà Nội sau chuyến xe chạy xuyên đêm. Trở về trường khi khắp nơi mọi vật còn đang chìm trong giấc ngủ yên bình, chuyến công tác của chúng tôi đã kết thúc, trên đường về còn bao lưu luyến với con người và mảnh đất nghĩa tình Huổi Luông. Xin trân trọng cảm ơn các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo và các con học sinh của trường THCS Cát Linh đã đóng góp, ủng hộ vật chất và tinh thần cho thầy và trò của trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), để tiếp thêm niềm tin cho những người dân vùng cao này.
hl1
                                                              Công tác chuẩn bị tại trường THCS Cát Linh tối 18/8
hl2
                                                                                               Gửi gắm yêu thương... 
hl3
                                                                                   Cây cầu treo đưa các em đến trường 
hl4
                                                                                        Cầu treo qua sông Nậm Na
hl5
                                                                      Những gương mặt học trò hồn nhiên, đáng yêu
hl6
Niềm vui háo hức của thầy trò trường Tiểu học Lê Văn Tám và nhân dân xã Huổi Luông (phía sau lưng các em là dãy phòng học gồm 3 lớp)
 Phòng học của các em
hl7
                                                                                     Nơi các em ngày ngày học chữ
hl8
Thầy giáo Trần Quốc Hải - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường THCS Cát Linh, trao quà tặng cho trường Tiểu học Lê Văn Tám 
hl9
                                                                                         Với những học trò vùng cao 
hl10
                                                                                             Niềm vui của các em thơ 
hl11
                           Đồng chí Hà Mạnh Tường, Phó Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân trao quà cho các em học sinh. 
hl12
                                                                           Các em học sinh trong phòng ở bán trú mới 
hl13

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay14,148
  • Tháng hiện tại275,388
  • Tổng lượt truy cập7,106,534
Tuyển sinh vào lớp 6
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây